Khảo sát xây dựng là hoạt động thị sát, đo vẽ, thăm dò, thu thập, phân tích, nghiên cứu và đánh giá tổng hợp điều kiện thiên nhiên của vùng, địa điểm xây dựng về địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, các quá trình và hiện tượng địa chất vật lý, khí tượng thủy văn, hiện trạng công trình để lập các giải pháp đúng đắn về kỹ thuật và hợp lý nhất về kinh tế khi thiết kế, xây dựng công trình.
KSXD gồm khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thuỷ văn, khảo sát hiện trạng công trình và các công việc khảo sát khác phục vụ cho hoạt động xây dựng.
Các loại hình chính của khảo sát xây dựng
Khảo sát phục vụ công tác lựa chọn địa điểm:
Khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm được tiến hành trong trường hợp điều kiện địa chất công trình là yếu tố chủ yếu quyết định việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình.
Khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm được thực hiện ở tất cả các phương án xem xét tại khu vực hoặc tuyến dự kiến xây dựng công trình, trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2000 hoặc 1:5000 hoặc 1:10000 hoặc 1:25000 hoặc nhỏ hơn tuỳ thuộc vào diện tích khu vực khảo sát.
Thành phần công tác khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm:
– Thu thập, phân tích và hệ thống hoá tài liệu khảo sát hiện có của khu vực, địa điểm xây dựng;
– Thị sát địa chất công trình (khảo sát khái quát);
– Đo vẽ địa chất công trình: chỉ thực hiện khi cần thiết tuỳ thuộc vào diện tích, điều kiện địa chất công trình khu vực khảo sát và đặc điểm công trình xây dựng. Khối lượng, nội dung đo vẽ phải được lựa chọn phù hợp với tỷ lệ bản đồ đo vẽ;
– Thăm dò địa chất công trình, địa chất thuỷ văn: chỉ thực hiện với khối lượng hạn chế trong trường hợp không có hoặc thiếu các tài liệu thăm dò hoặc tại những khu vực có điều kiện địa chất công trình bất lợi;
– Thăm dò địa vật lý (nếu cần).
Báo cáo kết quả khảo sát cần phân tích, đánh giá số liệu ở tất cả các phương án xem xét để đảm bảo lựa chọn vị trí thích hợp xây dựng công trình, xác định hợp lý vị trí các công trình đầu mối trên tuyến và đề xuất các công việc, phương pháp khảo sát cho bước thiết kế tiếp theo.
Khảo sát phục vụ các bước thiết kế công trình:
Thành phần công tác và khối lượng khảo sát được xác định tuỳ thuộc vào bước thiết kế, đặc điểm của công trình xây dựng, điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát, mức độ phức tạp về điều kiện địa chất công trình, tài liệu khảo sát hiện có… nhưng phải đảm bảo khảo sát hết tầng đất đá trong phạm vi ảnh hưởng của tải trọng công trình. Tọa độ, cao độ các điểm thăm dò có thể giả định nhưng phải đảm bảo đo nối được với hệ thống tọa độ, cao độ của công trình hoặc của quốc gia khi cần thiết.
Thành phần công tác khảo sát phục vụ các bước thiết kế:
– Thu thập, phân tích và đánh giá tài liệu khảo sát hiện có của khu vực xây dựng; đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng liền kề có ảnh hưởng đến các công trình thuộc dự án;
– Đo vẽ địa chất công trình;
– Thăm dò địa chất công trình, địa chất thuỷ văn;
– Thăm dò địa vật lý (nếu cần);
– Khảo sát khí tượng – thuỷ văn (nếu cần);
– Nghiên cứu đặc điểm kiến tạo (nếu cần);
– Thí nghiệm mẫu đất đá, mẫu nước trong phòng thí nghiệm;
– Quan trắc địa kỹ thuật;
– Chỉnh lý và lập báo cáo kết quả khảo sát.
Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng (Điều 25 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Lập và phê duyệt nhiệm vụ KSXD.
2. Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật KSXD.
3. Thực hiện KSXD.
4. Nghiệm thu, phê duyệt kết quả KSXD.
Nhiệm vụ khảo sát xây dựng (Điều 26 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Nhiệm vụ KSXD được lập cho công tác khảo sát phục vụ việc lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình hoặc phục vụ các công tác khảo sát khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.
2. Nhiệm vụ KSXD do nhà thầu thiết kế lập. Trường hợp chưa lựa chọn được nhà thầu thiết kế hoặc trong các trường hợp khảo sát khác, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền lập dự án PPP được thuê tổ chức, cá nhân hoặc giao tổ chức, cá nhân trực thuộc có đủ điều kiện năng lực lập, thẩm tra nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
3. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư giao cho nhà thầu KSXD thông qua việc trực tiếp ký kết hợp đồng KSXD hoặc giao cho nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu tư vấn thiết kế thực hiện cả công tác KSXD và thiết kế xây dựng.
4. Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm:
a) Mục đích KSXD;
b) Phạm vi KSXD;
c) Yêu cầu về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng;
d) Sơ bộ khối lượng các loại công tác KSXD, dự toán KSXD (nếu có);
đ) Thời gian thực hiện KSXD.
5. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:
a) Trong quá trình thực hiện KSXD, phát hiện các yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc khi có thay đổi nhiệm vụ thiết kế cần phải bổ sung nhiệm vụ KSXD;
b) Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện nhiệm vụ KSXD, báo cáo KSXD không đáp ứng yêu cầu thiết kế;
c) Trong quá trình thi công, phát hiện các yếu tố địa chất khác thường, không đáp ứng được nhiệm vụ khảo sát đã được chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế phê duyệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.
6. Khi lập nhiệm vụ khảo sát ở bước thiết kế xây dựng sau thì phải xem xét nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế xây dựng trước và các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).
Phương án kỹ thuật KSXD (Điều 27 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật KSXD phù hợp với nhiệm vụ KSXD.
2. Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng;
a) Cơ sở lập phương án kỹ thuật KSXD;
b) Thành phần, khối lượng công tác KSXD;
c) Phương pháp, thiết bị khảo sát và phòng thí nghiệm được sử dụng;
d) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về KSXD áp dụng;
đ) Tổ chức thực hiện và biện pháp kiểm soát chất lượng của nhà thầu KSXD;
e) Tiến độ thực hiện;
g) Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát; biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát và phục hồi hiện trạng sau khi kết thúc khảo sát.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải kiểm tra hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra phương án kỹ thuật KSXD và phê duyệt phương án kỹ thuật KSXD theo quy định của hợp đồng.
Quản lý công tác KSXD (Điều 28 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng; cử người có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng quy định tại phương án kỹ thuật KSXD.
2. Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, chủ đầu tư được tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực hành nghề phù hợp với loại hình khảo sát để giám sát KSXD theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu KSXD bao gồm nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với phương án khảo sát xây dựng được duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng;
b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện KSXD bao gồm: vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát, quy trình thực hiện khảo sát, lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm; công tác thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm hiện trường; công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát.
3. Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng.
Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng (Điều 29 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Căn cứ thực hiện KSXD.
2. Quy trình và phương pháp KSXD.
3. Khái quát về vị trí và điều kiện tự nhiên của khu vực KSXD, đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình.
4. Khối lượng KSXD đã thực hiện.
5. Kết quả, số liệu KSXD sau khi thí nghiệm, phân tích.
6. Các ý kiến đánh giá, lưu ý, đề xuất (nếu có).
7. Kết luận và kiến nghị.
8. Các phụ lục kèm theo.
Phê duyệt báo cáo kết quả KSXD (Điều 30 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt báo cáo kết quả KSXD bằng văn bản hoặc phê duyệt trực tiếp tại Báo cáo kết quả KSXD. Chủ đầu tư được quyền yêu cầu nhà thầu tư vấn thiết kế hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để kiểm tra báo cáo kết quả KSXD trước khi phê duyệt.
2. Nhà thầu khảo sát chịu trách nhiệm về chất lượng KSXD do mình thực hiện. Việc phê duyệt báo cáo kết quả KSXD của chủ đầu tư không thay thế và không làm giảm trách nhiệm về chất lượng KSXD do nhà thầu khảo sát thực hiện.
3. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và được lưu trữ theo quy định.
Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng (Điều 68 NĐ 15/2021/NĐ-CP)
Cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định này và điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
Điều 66. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Hạng I; Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
b) Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
c) Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
3. Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.