Đấu thầu là một hình thức kinh doanh dựa vào tính chất cạnh tranh công khai của thị trường, không có cạnh tranh thì không có đấu thầu và cũng không cần đến đấu thầu. Có thể nói đấu thầu là phương thức giao dich đặc biệt. Trong một hoạt động kinh doanh mua bán hay xây dựng các công trình dân sự có liên quan đến nhiều người, nhiều bên khác nhau thì người ta thường áp dụng hoặc bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh công khai.
Theo quy chế đấu thầu hiện nay của Việt Nam, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu. Bên mời thầu là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp của chủ dự án, chủ đầu tư được giao trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu. Nhà thầu là tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu. Nhà thầu là nhà xây dựng trong đấu thầu xây lắp, là nhà cung cấp trong đấu thầu mua sắm hàng hóa, nhà tư vấn trong đấu thầu tuyển chọn tư vấn, là nhà đầu tư trong đấu thầu lựa chọn đối tác đầu tư.
Chủ đầu tư, bên mời thầu dựa trên các tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để đánh giá, phân loại nhà thầu. Hồ sơ năng lực chứng minh khả năng của một đơn vị khi thầu một dự án, công trình nào đó.
1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm
Bên mời thầu sẽ dử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu bao gồm các tiêu chí:
* Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu. Luật đấu thầu 2013 không có điều nào quy định về “Hợp đồng tương tự”. Có thể hiểu hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét. Hợp đồng tương tự được đánh giá là đạt yêu cầu khi đáp ứng đủ yếu tố:
– Tương tự về bản chất và độ phức tạp: có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu này theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với các công việc đặc thù, có thể chỉ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.
– Tương tự về quy mô công việc: có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.
(02 công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, quy mô mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét thì được đánh giá là 01 hợp đồng xây lắp tương tự)
– Trường hợp yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ 02 hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu 01 hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.
Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị phần công việc xây lắp của hợp đồng trong khoảng 50%-70% giá trị phần công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà có thể yêu cầu tương tự về điều kiện hiện trường.
Không chấp nhận việc cộng gộp các hợp đồng có giá trị nhỏ với nhau (các hợp đồng có giá trị nhỏ hơn giá trị quy định) nhằm thỏa mãn yêu cầu tổng thể.
Vậy trường hợp nhà thầu cung cấp là hợp đồng mà nhà thầu ký với một đơn vị khác mà không phải là nhà thầu phụ của chủ đầu tư thì có được xem là hợp đồng tương tự không?
Căn cứ tại điểm b, khoản 2 Điều 39 Luật đấu thầu 2013 Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có nhắc đến hợp đồng tương tự:
“b) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.
Các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm: chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến xuất xứ của hàng hóa, lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yếu tố khác”
Các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm: chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến xuất xứ của hàng hóa, lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yếu tố khác.
Theo đó, hợp đồng có tính chất tương tự có thể hiểu là hợp đồng có hàng hóa, giá trị hàng hóa, quy mô thực hiện tương tự với hợp đồng đã và đang thực hiện. Hợp đồng có quy mô tương tự : có thể hiểu quy mô thực hiện lớn hay nhỏ tương tự như hợp đồng đã và đang thực hiện.
Pháp luật không quy định tương tự trong hợp đồng là giống bao nhiêu phần trăm, sự tương tự này tùy thuộc vào quy định trong hồ sơ mời thầu cụ thể. Hợp đồng tương tự không nhất thiết phải có đồng thời hàng hóa tương tự và giá trị tương tự, Nhà thầu chỉ kê khai nội dung tương tự với yêu cầu của gói thầu.
Hiểu một cách đơn giản thì nhà thầu được đánh giá là đáp ứng về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về quy mô khi thỏa mãn 1 trong 3 trường hợp sau, trong đó ví dụ số lượng hợp đồng tương tự theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu là N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V:
– Số lượng hợp đồng = N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu = V, như vậy tổng giá trị các hợp đồng tương tự là X = NxV;
– Số lượng hợp đồng ít hơn N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu = V và tổng giá trị tất cả hợp đồng tương tự >= X;
– Một hợp đồng có giá trị tối thiểu = V và tổng giá trị tất cả hợp đồng tương tự >= X.
* Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
* Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn sẽ căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu cụ thể. Việc đảm bảo các tiêu chí trên thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
* Đánh giá năng lực của nhà thầu liên danh
Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự căn cứ theo phần công việc từng thành viên đảm nhận trong liên danh; còn đối với năng lực về kỹ thuật thì đánh giá cho cả nhà thầu liên danh mà không căn cứ theo tỷ lệ công việc phân chia trong liên danh.
Tuy nhiên, nếu nhà thầu liên danh đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu (nhân sự, máy móc…) và nhà thầu đứng đầu liên danh chứng minh được khả năng huy động nhân sự từ thành viên liên danh khác thì được coi là đạt đối với nội dung này.
Vậy việc chấm điểm cho hồ sơ dự thầu của công ty liên danh phụ thuộc vào phần công việc mà mỗi công ty sẽ đảm nhận tức gói thầu sẽ được chia ra làm nhiều phân và mỗi công ty sẽ thực hiện 1 phần tương ứng với năng lực cuả mình chứ không thuộc về riêng công ty nào cả vì vạy việc đánh giá, chấm điểm cũng được chia theo tỉ lệ công việc mà mỗi công ty đảm nhận tại quy định nếu trên.
Về kinh phí của gói thầu, kinh phí này được chuyển giao theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng đấu thầu.
2. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật
+ Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;
+ Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;
+ Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
+ Khả năng thích ứng về mặt địa lý, môi trường;
+ Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;
+ Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);
+ Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ;
+ Tiến độ cung cấp hàng hóa;
+ Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
+ Các yếu tố cần thiết khác.
Khi đặt ra các tiêu chí này bên mời thầu sẽ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết.